Ngày nay, tranh chấp quyền sử dụng đất khi ly hôn là một trong những thực trạng xảy ra khá phổ biến và tính chất của những vụ tranh chấp đất đai phần lớn rất phức tạp. Thông thường những vụ tranh chấp đất đai Tòa án sẽ tách ra để giải quyết căn cứ vào quy định của luật đất đai, luật hôn nhân gia đình và các luật khác liên quan. Sự chồng chéo một lúc nhiều quy định khiến người trong cuộc không biết nên giải quyết như thế nào cho đúng, do đó bài viết này Tin Mới sẽ hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi ly hôn qua một tình huống cụ thể. 


Tình huống khách hàng

Chào luật sư! Bố em mất có để lại cho mẹ một miếng đất và miếng đất đó hiện giờ đứng tên mẹ em. Sau đó mẹ em đi thêm bước nữa và có mua thêm những mảnh đất xung quanh và làm lại sổ đất nhưng vẫn đứng tên mẹ. Tất cả những phần đất mua sau này đều là tiền của mẹ em và khi em lập gia đình thì mẹ có cho một miếng đất làm nhà và đứng tên vợ chồng em. Nay mẹ và dượng ly hôn thì em không biết là miếng đất mẹ cho em có nằm trong phần đất tranh chấp không ạ? Mong luật sư tư vấn.

Giải đáp

Chào bạn! Chúng tôi đã xem qua vấn đề của bạn và xin chia sẻ với bạn một vài thông tin như sau.

1. Quy định về tài sản chung, tài sản riêng

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì mảnh đất của mẹ bạn có 2 phần: phần đất được thừa kế từ ba bạn và phần đất mua khi kết hôn với dượng bạn.

Đối với phần đất mà mẹ bạn được thừa kế từ ba bạn đây được xem là thừa kế riêng và sau khi kết hôn với người chồng thứ 2 thì mẹ bạn không thỏa thuận sáp nhập phần đất này vào làm tài sản chung nên tài sản này thuộc quyền sở hữu của riêng mẹ bạn. Do đó, khi ly hôn phần tài sản này sẽ không nằm trong danh sách phân chia.

Đối với phần đất mà mẹ bạn mua sau khi đã kết hôn với dượng bạn thì đây được xem là tài sản chung của hai người. Cụ thể được thể hiện tại Khoản 1 Điều 33 luật hôn nhân gia đình 2014:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”


Do đó, khi mẹ bạn và dượng bạn tiến hành ly hôn thì dượng bạn có quyền yêu cầu phân chia đối với tài sản là phần đất mua trong thời kỳ hôn nhân này.

Để biết thên thông tin chi tiết về cách xác định tài sản chung, tài sản riêng thì bạn có thể xem thêm tại đây.

2. Hướng giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn

Nếu có nhu cầu chia tài sản khi ly hôn thì trước hết Tòa án để cho hai bên tự thỏa thuận, đây là một trong những giải pháp giúp hai bên hạn chế xảy ra những mâu thuẫn không mong muốn. Trường hợp không thỏa thuận được thì mới yêu cầu Tòa án giải quyết. Lúc này Tòa án sẽ áp dụng theo các khoản 2,3,4,và 5 Điều 33 Luật này để giải quyết.

Ngoài ra, tài sản chung phân chia khi ly hôn còn được Tòa án căn cứ vào các yếu tố sau: hoàn cảnh gia đình; công sức đóng góp; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, về nguyên tắc thì phần đất mà mẹ bạn mua sau khi kết hôn với dượng bạn khi ly hôn sẽ được chia đôi nhưng Tòa án sẽ tính đến yếu tố ngoại tình của dượng bạn và tính cả công sức đóng góp của mẹ bạn vào khối tài sản này.

Đồng thời, bạn có nói là mẹ bạn có cho bạn một phần đất và hiện đứng tên vợ chồng bạn. Do phần đất này đang trộn lẫn giữa phần đất có trước khi kết hôn và sau khi kết hôn nên khi mẹ bạn tiến hành tặng cho bạn thì vẫn phải có ý kiến từ dượng bạn. Và chính do chưa xác định được đâu là tài sản chung và đâu là tài sản riêng nên phần đất mà hiện vợ chồng bạn đang đứng tên vẫn nằm trong diện tranh chấp.

Vấn đề giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi ly hôn mà bạn thắc mắc chúng tôi đã giải đáp như trên, còn điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ thêm. Liên hệ Hotline: 0909 854 850.